[Chủ đề ôn tập môn VĂN ôn thi vào lớp 10] – Nghị luận văn học

admin Tháng Mười Hai 21, 2023

1.Các dạng bài nghị luận văn học

– Nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích trong truyện

– Nghị luận về đoạn thơ (bài thơ)

– nghị luận về ý kiến bàn về văn học

2. Yêu cầu đối với bài nghị luận văn học

– Về nội dung:

+ Hiểu đúng vấn đề nghị luận, xác định rõ yêu cầu đề bài

+ Sử dụng các kỹ năng thao tác như giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận để lý giải rõ vấn đề nghị luận

+ Nêu được suy nghĩ, quan điểm của người viết về vấn đề nghị luận

– Về hình thức 

+ Cần đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận: Mở bài giới thiệu thiệu vấn đề nghị luận; thân bài phân tích, lý giải;  kết bài khái quát vấn đề

–  Về hệ thống luận điểm: rõ ràng, mạch lạc; luận cứ chính xác, sinh động; lập luận chặt chẽ, thuyết phục; dẫn chứng cụ thể, đa dạng.

– Văn viết đúng chính tả, ngữ pháp tiếng Việt; diễn đạt trong sáng, vừa đảm bảo tính lôgic, thuyết phục vừa thể hiện cảm xúc của người viết một cách tự nhiên.

3. Cách làm một số kiểu bài nghị luận văn học

a) Nghị luận về tác phẩm truyện

* Nhận dạng kiểu bài

+ Phân tích giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, phân tích nhân vật, phân tích một số đặc điểm nội dung hoặc nghệ thuật của tác phẩm (hoặc đoạn trích)

+ Phát biểu cảm nghĩ/ Nêu suy nghĩ về một chi tiết đặc sắc, một đặc điểm nội dung hoặc nghệ thuật nổi bật, về nhân vật, cũng như về tác phẩm (hoặc đoạn trích)

– Bình luận về nhân vật, tình huống truyện, chi tiết nghệ thuật, cách mở đầu – kết thúc truyện…

* Các bước triển khai

– Bước 1:  Phân tích đề bài: gạch chân dưới từ ngữ trọng tâm của đề bài để xác định chính xác yêu cầu

– Bước 2: xây dựng dàn ý với bố cục 3 phần

+ Mở bài: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận; nêu ý kiến đánh giá chung về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)/ vấn đề nghị luận.

+ Thân bài: Hệ thống luận điểm của bài văn nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) có thể theo trình tự sau:

(1) Khái quát chung: Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác; giải thích vấn đề nghị luận (giải thích từ khóa)

(2) Hình thành các luận điểm chính về vấn đề nghị luận và sắp xếp chúng theo trình tự hợp lý; phân tích, chứng minh bằng các luận cứ tiêu biểu, xác thực.

(3) Bình luận, mở rộng, nâng cao vấn đề: đánh giá ý nghĩa, vai trò của vấn đề nghị luận, mức độ đóng góp của tác giả; liên hệ với tác giả, tác phẩm khác; khái quát về phong cách tác giả.

+ Kết luận: Tổng kế,t khẳng định lại vấn đề nghị luận; nêu bài học rút ra

– Bước 3: Viết bài văn hoàn chỉnh. Quá trình viết cần lưu ý:

+ Các nhận xét, đánh giá về tác phẩm truyện( hoặc đoạn trích) cần rõ ràng, chính xác trên cơ sở việc tìm hiểu, khám phá giá trị nội dung, nghệ thuật của văn bản.Những nhận xét, đánh giá này phải được thể hiện thành luận điểm và sắp xếp theo trình tự logic hợp lý.

+ Luận điểm có thể được triển khai theo hình thức diễn dịch, quy nạp hoặc tổng- phân- hợp. Kết hợp 4 thao tác nghị luận để triển khai luận điểm: Thuật dẫn (giới thiệu); Trích (đưa ra dẫn chứng); Phân tích (nội dung và nghệ thuật) Bình (đánh giá mở rộng, nâng cao)

+ Hạn chế trình bày dẫn chứng theo cách kể /thuật lại tác phẩm lan man, dài dòng thiếu sự tổng hợp khái quát về tác phẩm. Chú ý kết hợp linh hoạt giữa phân tích, bình giảng các chi tiết, hình ảnh, câu văn cụ thể với nhận xét, đánh giá khái quát.

+ Bài văn nghị luận về tác phẩm truyện đòi hỏi người viết thể hiện được suy nghĩ, cảm xúc riêng của mình với vấn đề nghị luận. Cảm xúc này được thể hiện qua ngôn ngữ, giọng điệu. Đó không phải là kiểu câu cảm thán như trong văn miêu tả, biểu cảm mà là những câu văn biểu đạt cảm nhận, ý kiến riêng của người viết về cái hay, cái đẹp của tác phẩm.

+ Cần chú ý đến sự liên kết giữa các phần, đoạn; có thể sử dụng các từ chuyển tiếp như: bên cạnh đó, cùng lúc đó, mặt khác, không chỉ… mà còn… để chuyển ý và chuyển liên kết đoạn

– Bước 4: Đọc và kiểm tra mức độ đáp ứng yêu cầu của bài văn nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) theo các tiêu chí cơ bản sau

 Tiêu chí tự đánh giáMức độ đánh giá
Không
Mở bàiGiới thiệu được vấn đề nghị luận  
 Ý kiến đánh giá chung về vấn đề nghị luận  
Thân bàiKhái quát chung về vấn đề nghị luận  
 Hệ thống luận điểm sắp xếp theo trình tự hợp lý  
 Kết hợp giữa phân tích dẫn chứng và nhận xét, đánh giá khi triển khai từng luận điểm.  
 Liên kết hợp lý tự nhiên giữa các phần, đoạn  
 Thể hiện được suy nghĩ, cảm xúc riêng của người viết.  
Kết bàiTổng kết khẳng định lại vấn đề nghị luận  
 Viết đúng chính tả, ngữ pháp  
 Diễn đạt mạch lạc, trôi chảy  

b) Nghị luận về đoạn thơ, bài thơ

* Nhận dạng kiểu bài: Đối tượng của kiểu bài này là tác phẩm thơ (bài thơ hoặc đoạn trích). Mục đích kiểu của kiểu bài này là kiểm tra năng lực cảm thụ văn học (hiểu, phân tích, bình giảng, lý giải) của người viết. Một số dạng thường gặp của nghị luận về tác phẩm thơ:

– Phân tích:giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ

– Bình giảng câu thơ, đoạn thơ, bài thơ

– Cảm nhận về đoạn thơ, bài thơ hoặc một nội dung (chủ đề, hình tượng, tâm trạng) trong đoạn thơ, bài thơ

– Suy nghĩ về một nội dung trong đoạn thơ, bài thơ

* Các bước triển khai

– Bước 1:  Phân tích đề bài: gạch chân dưới từ ngữ trọng tâm của đề bài để xác định chính xác yêu cầu cần tập trung tìm hiểu, tránh lạc sang vấn đề khác.

– Bước 2: xây dựng dàn ý với bố cục 3 phần

+ Mở bài: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận;  nêu suy nghĩ cảm nhận chung về đoạn thơ, bài thơ, vấn đề nghị luận. Trích dẫn đoạn thơ, bài thơ (Lưu ý: nếu văn bản ngắn nên chép lại đầy đủ; nếu văn bản dài có thể ghi câu đầu tiên sau đó xuống hàng để dấu ba chấm, tiếp tục xuống hàng viết câu thơ cuối cùng; phân tích dẫn lên đưa vào dấu ngoặc kép)

+ Thân bài: Hệ thống luận điểm của bài văn nghị luận về đoạn thơ, bài thơ có thể theo trình tự sau:

(1) Khái quát chung: Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác bài thơ; vai trò, ý nghĩa của đoạn thơ trong chỉnh thể tác phẩm

(2) Trình bày suy nghĩ, cảm nhận, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ theo từng ý thơ,  khổ thơ hoặc câu thơ. Lưu ý trình tự: khái quát nội dung ý /khổ/ câu thơ  – trích dẫn khổ thơ, câu thơ  – phân tích, đánh giá theo nguyên tắc: đi từ nghệ thuật đến nội dung. Đối với tác phẩm thơ, những yếu tố về ngôn ngữ, giọng điệu, cấu tứ, tư tưởng là những vấn đề quan trọng cần chú ý.

(3) Bình luận, mở rộng vấn đề: nhận xét về tài năng, phong cách tác giả; đánh giá, nhận xét chung về nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ hoặc nghệ thuật thể hiện vấn đề nghị luận; liên hệ bài học trong cuộc sống

+ Kết luận: Khẳng định giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ/ thành công của vấn đề nghị luận; nhấn mạnh ý nghĩa của đoạn thơ, bài thơ với sự nghiệp sáng tác của tác giả, đối với nền văn học.

– Bước 3: Viết bài văn hoàn chỉnh. Quá trình viết cần lưu ý một số vấn đề sau:

+ Luận điểm có thể được triển khai khai theo hình thức diễn dịch, quy nạp hoặc tổng – phân – hợp.  Mỗi luận điểm nên viết thành một đoạn văn. Trong đoạn văn triển khai luận điểm, các lý lẽ phải cụ thể, rõ ràng kèm theo dẫn chứng minh họa sinh động.

+ Bài văn nghị luận về bài thơ, đoạn thơ đòi hỏi người viết nêu được các nhận xét, đánh giá và sự cảm thụ của riêng mình với vấn đề nghị luận. Những nhận xét, đánh giá này phải xuất phát từ sự phân tích, bình giá ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu, cấu trúc, cảm xúc… của tác phẩm. Hạn chế việc diễn xuôi ý của lời thơ.

+ Việc trích dẫn thơ minh họa cho các ý kiến, nhận xét cần có sự chọn lọc. Những câu thơ, đoạn thơ trích dẫn phải đặc sắc, tiêu biểu, thể hiện được cái hay, cái đẹp của tác phẩm thơ. Có thể sử dụng hai hình thức trích dẫn thơ: trích dẫn trực tiếp (trích dẫn nguyên vẹn câu thơ, đoạn thơ); trích dẫn gián tiếp (diễn giải lại nội dung câu thơ, đoạn thơ).

+ Để sự phân tích, nhận xét, đánh giá được sâu sắc, thuyết phục, người viết có thể viện dẫn ý kiến của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học hoặc mở rộng liên hệ, so sánh với các đoạn thơ, bài thơ cùng đề tài, chủ đề, từ đó nêu bật lên giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm nghị luận.

+ Cần chú ý đến sự liên kết giữa các phần, các đoạn

– Bước 4: Đọc và kiểm tra mức độ đáp ứng yêu cầu của bài văn nghị luận về bài thơ đoạn thơ theo một số tiêu chí cơ bản sau

 Tiêu chí tự đánh giáMức độ đánh giá
Không
Mở bàiGiới thiệu được đoạn thơ, bài thơ  
 Ý kiến, đánh giá chung về đoạn thơ, bài thơ  
Thân bàiNêu hoàn cảnh sáng tác của bài thơ/ Vai trò của đoạn thơ trong tác phẩm  
 Hệ thống luận điểm sắp xếp theo trình tự hợp lý  
 Kết hợp giữa nhận xét, đánh giá và phân tích ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu…  
 Liên kết hợp lý tự nhiên giữa các phần, đoạn  
 Lời văn thể hiện được cảm xúc riêng của người viết.  
 Viện dẫn ý kiến của người khác hoặc so sánh với văn bản khác cùng chủ đề, đề tài  
Kết bàiTổng kết khẳng định giá trị nội dung nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ  
 Viết đúng chính tả, ngữ pháp  
 Diễn đạt mạch lạc, trôi chảy, có cảm xúc