1. Bao quát và chi tiết
Bất cứ kỳ thi nào cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức chung và kiến thức trọng tâm. Đối với môn Ngữ Văn, học sinh nên nên có sự chuẩn bị từ bao quát đến chi tiết. Việc liệt kê, phân loại và tóm gọn tác phẩm theo một hệ thống là điều cần thiết để các em nắm bao quát nội dung chính.
Bên cạnh đó, mỗi nội dung (tùy theo phân loại) cần xác định trọng tâm để tránh những sai sót căn bản. Từ đó, các em đi vào tìm hiểu từng tác giả, tác phẩm cụ thể. Đối với việc này, các em nên có sự so sánh liên hệ giữa các tác giả tác phẩm, giúp cho các em nhớ kỹ hơn, lâu hơn và bài văn cũng trở nên sâu sắc hơn. Thí sinh nên tóm lược các tác giả tác phẩm theo chuyên đề, từ đó xác định mục tiêu và kế hoạch học từng giai đoạn.
2. Tìm hiểu cấu trúc đề thi môn Văn: Đọc hiểu và Làm văn
Về cơ bản, đề Ngữ Văn vào lớp 10 có hai phần: Đọc hiểu và Làm Văn.
Phần đọc hiểu đòi hỏi thí sinh đọc và nhận diện vấn đề, xác định nội dung văn bản, kèm theo đó là các hiểu biết về tiếng Việt được tích hợp vào câu hỏi. Bên cạnh đó, phần đọc hiểu thường có câu hỏi yêu cầu học sinh nêu suy nghĩ. Các em nên nắm vững kỹ năng tạo lập đoạn văn, trình bày suy nghĩ khúc chiết, mạch lạc, tránh lỗi chính tả; và hơn hết phải thể hiện rõ thái độ và lập luận để giải thích lý do vì sao đưa ra quan điểm đánh giá như vậy.
Phần làm văn bao gồm: nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Nghị luận xã hội thông thường có hai nhóm vấn đề (nghị luận tư tưởng đạo lý và nghị luận về hiện tượng đời sống). Ngoài việc nắm vững dàn ý bao quát của hai dạng bài nghị luận xã hội này, thí sinh nên chú ý thêm vào việc lựa chọn và sử dụng dẫn chứng cho sinh động thuyết phục. Các em nên thường xuyên theo dõi tin tức thời sự liên quan đến học đường, giáo dục, nhịp sống xã hội.
Các em cũng có thể sưu tầm các dẫn chứng từ tác giả văn học, tác phẩm văn học, nhân vật lịch sử, danh nhân xã hội… để đưa vào bài văn. Những luận điểm kèm theo lý lẽ và dẫn chứng được sắp xếp chặt chẽ, hợp lý. Ngoài ra, các em nên nâng cao tư duy phản biện khi đánh giá vấn đề nghị luận. Có vậy, vấn đề nghị luận mới được nhìn nhận từ nhiều góc độ. Ý kiến đánh giá vừa đa chiều vừa sâu sắc.
Với phần nghị luận văn học, thí sinh thường được chọn 1 trong 2 đề. Với đề 2 nghị luận văn học, thí sinh có thể cởi mở bộc lộ tính sáng tạo. Tuy nhiên, dù như thế nào thì phần nghị luận văn học vẫn luôn bám sát vào các tác phẩm, tác giả trọng tâm của chương trình Ngữ văn lớp 9. Do đó, thí sinh nên hệ thống các tác giả, tác phẩm trong chương trình. Các em có thể hệ thống theo giai đoạn lịch sử văn học, theo thể loại của văn bản, hoặc theo nhóm chủ đề (chủ đề yêu nước, chủ đề gia đình, chủ đề cảm nhận đời sống-tự nhiên, …). Ngoài ra, bài văn nghị luận văn học được đánh giá cao nếu thí sinh có lý lẽ sắc bén, có liên hệ rộng rãi.
Chú ý: hàng năm, khoảng thời gian trước khi kỳ thi diễn ra, cơ quan quản lý giáo dục thường có những thông báo chia sẻ về phương hướng ra đề (hoặc những thay đổi cho kỳ thi sắp tới). Do đó, thí sinh nên theo dõi để kịp thời nắm bắt thông tin của cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương.
3. Kinh nghiệm làm bài: yêu cầu về diễn đạt và nội dung cần thiết
Mỗi phần trong đề thi cần có cách tiếp cận khác nhau. Đối với phần đọc hiểu, các câu hỏi sẽ được sắp xếp theo trình tự nhận biết, thông hiểu và nêu suy nghĩ riêng. Những câu hỏi này các em nên đọc kỹ đề và trả lời vào trọng tâm, tránh lan man, dài dòng.
Đối với bài văn nghị luận xã hội, thí sinh có thể linh hoạt sắp xếp các luận điểm, miễn sao nội dung được gắn kết một cách logic, giúp đề bài được giải quyết một cách rõ ràng. Về hình thức bài làm, các em nên chú ý trong việc viết đoạn, viết câu và yêu cầu về cấu trúc bài làm (đọc kỹ để xem đề yêu cầu viết đoạn văn hoặc bài văn văn ngắn). Có lẽ đơn giản nhất là các em nên viết đoạn theo lối diễn dịch, quy nạp, hoặc tổng-phân-hợp. Đối với việc viết câu, các em nên viết câu đơn, hoặc câu ghép với 2 vế; tránh viết câu quá dài sẽ không kiểm soát được ngữ pháp câu, dẫn đến rối rắm và luộm thuộm. Ngoài ra thí sinh cũng cần đọc kỹ đề, để xác định vấn đề cần bàn luận; tránh hấp tấp dễ xác định sai vấn đề cần bàn.
Đối với bài văn nghị luận văn học, thí sinh cũng cần đảm bảo cấu trúc bài làm (mở-thân-kết). Về nội dung, các em nên cẩn thận ghi nhớ những thông tin bao quát (tiểu sử tác giả, hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, thể loại, phương thức biểu đạt…) tránh những sai sót nhỏ nhặt không đáng kể. Bởi đặc thù văn bản nghệ thuật, thí sinh cần tập trung phân tích giá trị thẩm mỹ để chỉ ra thông điệp, tư tưởng của tác giả.
Bài nghị luận văn học cũng cần triển khai theo trật tự các luận điểm (bao gồm lý lẽ và dẫn chứng). Các luận điểm nên được nêu rõ, tránh lối viết chung chung. Các luận điểm cũng nên viết với dung lượng cân đối (tránh luận điểm phân tích quá nhiều, luận điểm khác lại sơ sài). Ngoài ra, bài văn nên có sự liên hệ với thực tiễn xã hội và bản thân thí sinh. Về tình cảm, thí sinh nên bộc lộ cảm xúc phù hợp với nội dung đang phân tích. Những bài văn đạt điểm cao thường là những bài có cảm xúc chân thành, trong sáng, tích cực và phù hợp.
Đề thi và đáp án chính thức môn Văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Sở giáo dục TPHCM