PHẦN TIẾNG VIỆT
1. So sánh
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời
Tác giả đã so sánh “mẹ” với “ngọn gió”. Ngọn gió đem đến sự mát mẻ cho con trong giấc ngủ cũng như mẹ luôn dành cho con sự che chở, cảm giác bình yên, những điều đẹp đẽ nhất trong cuộc sống. Biện pháp so sánh cho thấy tình yêu thương dịu dàng, sự hi sinh cao cả của người mẹ và tình cảm biết ơn của người con dành cho mẹ của mình.
2. Ẩn dụ
Dưới trăng Quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Hình ảnh “lửa lựu” là ẩn dụ chỉ những bông hoa lựu nở đỏ, lấp ló trong lá xanh, lúc ẩn lúc hiện như những ngọn lửa lập lòe. Biện pháp ẩn dụ gợi ra hình ảnh hoa lựu có màu sắ,c có chuyển động “đơm bông”, hội tụ sức sống nảy nở, sinh sôi của mùa hè. Tác giả thể hiện sự quan sát và cảm nhận tinh tế về thiên nhiên.
3. Hoán dụ
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay
(Việt Bắc – Tố Hữu)
Hình ảnh “áo chàm” là hình ảnh hoán dụ chỉ đồng bào dân tộc vùng cao Việt Bắc, những người thường mặc trang phục màu chàm đặc trưng. Câu thơ gợi tình cảm gắn bó thân thương giữa người cán bộ kháng chiến và đồng bào nơi chiến khu trong phút chia tay đầy xúc động, lưu luyến.
4. Nhân hóa
Những chị lúa phất phơ bím tóc
Những cậu tre bá vai nhau thì thầm đứng học
Tác giả dùng từ gọi người “chị”, “cậu” để gọi lúa và tre; dùng từ ngữ miêu tả người để miêu tả lúa “phất phơ bím tóc” tre “thì thầm đứng đọc”. Biện pháp nhân hóa đã góp phần miêu tả bức tranh làng quê thật sống động, gần gũi, thân thương. Qua đó, tác giả thể hiện một cái nhìn hồn nhiên trẻ thơ và tình yêu thiên nhiên quê hương.
5. Điệp từ ,điệp ngữ
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm ngát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
(Đất Nước – Nguyễn Đình Thi )
Phép điệp với các từ ngữ “đây là của chúng ta”; “Những” nhấn mạnh quyền sở hữu của người dân trong một đất nước tự do, khơi gợi cảm xúc tự hào về một đất nước tươi đẹp và niềm hy vọng vào tương lai rộng mở.
6. Nói giảm, nói tránh
Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng
(Lượm – Tố Hữu)
Tác giả sử dụng cách nói giảm nhẹ “Cháu nằm trên lúa” khi nói về hình ảnh Lượm hy sinh. Chú bé dũng cảm không chết mà chỉ trở về trong vòng tay yêu thương của đất mẹ, hóa thân vào quê hương, xứ sở.
7. Câu hỏi tu từ
Sáng ra thơm đến ngẩn ngơ
Dòng sông đã mặc bao giờ áo hoa?
Câu hỏi không dùng để hỏi mà để thể hiện cảm xúc ngạc nhiên, ngỡ ngàng của nhân vật trữ tình trước vẻ đẹp của dòng sông vào buổi sớm mai.
8. Đảo ngữ
Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo
(Lên Tây Bắc – Tố Hữu)
Cụm từ ” Rất đẹp” được đảo lên đầu câu thơ nhấn mạnh cảm xúc ngưỡng mộ, tự hào của tác giả trước hình ảnh người chiến sĩ giải phóng quân.
9. Liệt kê
Ở cái mảnh đất ấy, tháng giêng, tôi đi đốt bãi đào ổ chuột; tháng tám nước lên, tôi đi đánh dậm, úp cá, đơm tét; tháng 9 tháng 10 đi móc con da dưới vệ sông.
(Đoàn Giỏi)
Câu văn liệt kê những hoạt động của nhân vật “tôi” theo thời gian trên mảnh đất quê hương. Tác dụng của phép liệt kê nhấn mạnh sự gắn bó của con người với làng quê thân thương.
KỸ NĂNG LÀM BÀI TẬP ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
1. Cấu trúc bài đọc hiểu
Cấu trúc bài học hiểu gồm những liệu đọc hiểu và câu hỏi đọc hiểu.
Ngữ liệu đọc hiểu rất đa dạng, có thể là các đoạn thơ, đoạn văn trong sách giáo khoa, cũng có thể là những đoạn trích có đề tài, độ dài, độ khó tương đương ngoài sách giáo khoa. Văn bản có thể là văn bản văn học hoặc văn bản nhật dụng.
Câu hỏi đọc hiểu gồm 3 đến 4 câu xếp theo mức độ từ dễ đến khó theo các mức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Các loại câu hỏi thường gặp là:
– Nêu xuất xứ văn bản (tên tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh ra đời…)
– Xác định phương thức biểu đạt
– Xác định chủ đề, ý chính, nội dung chính của văn bản
– Nận biết và ghi nhớ thông tin, chi tiết, hình ảnh…
– Nhận diện cấu tạo hoặc ý nghĩa của từ (từ láy, từ ghép, thành ngữ, từ nhiều nghĩa, từ trái nghĩa, từ đồng nghĩa…) và từ loại (danh từ, động từ, tính từ…) trong văn bản và nêu tác dụng
– Nhận diện các thành phần câu, các kiểu câu và nêu tác dụng.
– Nhận diện và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ
– Nhận diện và nêu tác dụng của phép liên kết
– Nhận diện đặc điểm về thể loại (thể thơ, nhân vật trữ tình, từ ngữ, hình ảnh…; nhân vật, chi tiết, tình huống, lời kể, lời độc thoại hay đối thoại…) và nêu tác dụng.
– Rút ra được ý nghĩa hàm ẩn của văn bản từ các thông tin, chi tiết, hình ảnh trong văn bản
– Đánh giá được về nội dung, nghệ thuật của văn bản
– Dùng thông tin trong văn bản để giải quyết một vấn đề tương tự,…
– Bày tỏ ý kiến, quan điểm, thái độ của bản thân trước vấn đề gợi ra từ văn bản
2. Kỹ năng làm một số bài tập đọc hiểu văn bản
Đọc kỹ đề bài để xác định yêu cầu của đề (có thể gạch chân những động từ yêu cầu, các từ để hỏi để xác định đúng yêu cầu của đề); đọc kỹ dữ liệu và đọc ghi chú nguồn văn bản; trả lời câu hỏi chính xác, đầy đủ, trúng yêu cầu (về nội dung) và ngắn gọn, rõ ràng (về hình thức)
STT | Dạng bài tập | Một số lưu ý |
1 | Nêu xuất xứ tác phẩm: Đoạn trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai? | – Trả lời đủ thông tin – Viết đúng quy tắc chính tả: Tên tác phẩm để trong ngoặc kép; viết hoa tên tác giả. |
2 | Xác định phương thức biểu đạt: – Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản -Xác định các phương thức biểu đạt trong văn bản,… | – Xác định phương thức biểu đạt dựa vào đặc điểm văn bản: mục đích giao tiếp, nội dung và hình thức của văn bản… – Đọc kỹ yêu cầu đề: nếu đề yêu cầu xác định “phương thức biểu đạt” hoặc “các phương thức biểu đạt” thì chỉ ra tất cả các phương thức biểu đạt; nếu đề yêu cầu xác định “phương thức biểu đạt chính” thì chỉ nêu một phương thức biểu đạt chính. |
3 | Tìm (nêu chủ đề hoặc nội dung chính của văn bản: – Tìm câu chủ đề trong đoạn trích. – Nêu nội dung chính của đoạn thơ… | – Xác định câu chủ đề dựa vào hình thức đoạn văn: Nếu là đoạn văn diễn dịch câu chủ đề ở đầu đoạn văn; nếu là đoạn văn quy nạp câu chủ đề ở cuối đoạn văn; nếu là đoạn tổng – phân – hợp câu chủ đề kép ở cả đầu đoạn và cuối đoạn. Học sinh cần viết lại nguyên văn câu chủ đề đó. – Xác định nội dung chính (thông điệp) của văn bản dựa vào nhan đề, câu chủ đề, các ý nhỏ hơn trong văn bản, các từ ngữ khóa … Học sinh cần viết thành đoạn văn ngắn (từ 3 đến năm 5) để trả lời. |
4 | Nhận diện về cấu tạo hoặc ý nghĩa của từ, từ loại trong văn bản và nêu tác dụng: – Tìm các từ láy trong đoạn thơ và nêu tác dụng – Cụm từ A có ý nghĩa như thế nào? – Xác định từ A thuộc từ loại nào và nêu tác dụng… | – Để nhận diện đơn vị từ vựng hoặc từ loại cần dựa vào kiến thức Tiếng Việt đã học. – Để giải thích tác dụng của từ ngữ đó, cần hiểu ý nghĩa của từ ngữ đó trong văn bản; từ đó, đánh giá hiệu quả của từ ngữ trong việc thể hiện nội dung tư tưởng, tình cảm của tác giả; tăng sức gợi cảm, gợi tả trong tác phẩm – Trả lời ngắn gọn, trúng nội dung câu hỏi. |
5 | Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ: – Đoạn thơ, đoạn văn sử dụng biện pháp tu từ nào? Hãy nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó? – Tìm câu thơ có sử dụng biện pháp tu từ so sánh và nêu tác dụng. | – Cân gọi tên biện pháp tu từ được sử dụng – Chỉ ra biện pháp tu từ đó thể hiện qua những từ ngữ hình ảnh nào. – Nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong việc thể hiện nội dung, tư tưởng,tình cảm của tác giả; tăng sức gợi tả, biểu cảm cho ngôn từ nghệ thuật. |
6 | Chỉ ra phép liên kết, các thành phần câu, các kiểu câu – Phép liên kết nào được sử dụng trong đoạn văn? – Tìm phép thế trong đoạn trích. -Phân tích thành phần của câu sau và cho biết câu đó thuộc kiểu câu nào xét về cấu tạo. | – Cân gọi tên phép liên kết, thành phần câu, kiểu câu được sử dụng. – Chỉ ra cụ thể biểu hiện của phép liên kết qua những từ ngữ trong văn bản hoặc chỉ rõ thành phần câu, phân tích rõ cấu trúc câu. |
7 | Giải thích ý nghĩa nhan đề, chi tiế,t hình ảnh… trong văn bản: – Em hiểu thế nào về…? – Hãy giải thích nhận định A trong đoạn trích – Chi tiết A cho em biết điều gì về nhân vậtX? | – Cần rút ra được giá trị nội dung tư tưởn,g tình cảm khi lý giải ý nghĩa của từ ngữ, hình ảnh, chi tiết … – Cần tiêm trình bày rõ luận điểm và các lý lẽ khi nêu ý kiến – Viết thành đoạn văn ngắn (3 đến 5 câu) để trả lời |
8 | Bày tỏ ý kiến quan điểm, thái độ của bản thân về vấn đề trong văn bản: – Em đồng ý hay em không đồng ý với nhận định A? Vì sao? – Em có suy nghĩ gì về…? | – Cần kết nối nhận định trong văn bản với trải nghiệm của cá nhân; với thực tiễn đời sống; với các văn bản khác tương đồng về đề tài; chủ đề… để đưa ra nhận xét, đánh giá. – Viết thành một đoạn văn ngắn (3 đến 5 câu) để trả lời. |
Ví dụ:
Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
Giờ cháu đã đi xa.Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?
( Bếp Lửa – Bằng Việt)
a) Đoạn thơ trên là lời của nhân vật nào? nói với ai?
b) Hình ảnh “ngọn khói trăm tàu”, “lửa trăm nhà” có ý nghĩa gì?
c) Câu thơ cuối đoạn sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó?
Đáp án
a) Đoạn thơ là lời của người cháu nói với bà
b) Hình ảnh “ngọn khói trăm tàu” là hình ảnh hoán dụ chỉ những chuyến đi xa. Hình ảnh “lửa trăm nhà” là hình ảnh hoán dụ chỉ những nơi đã đến có những con người với tình yêu thương, gắn bó vỡ như gia đình.
c) Câu cuối sử dụng câu hỏi tu từ câu hỏi tu từ có tác dụng nhấn mạnh niềm thương, nỗi nhớ khôn nguôi và tấm lòng biết ơn sâu nặng với bà. Nay người cháu đã khôn lớn, được hưởng cuộc sống với niềm vui rộng mở nhưng không quên những kỉ niệm về bếp Lửa tuổi thơ, về tình yêu thương, sự chăm sóc mà bà dành cho người cháu.